Mầm non Đồng Dương

https://mndongduong.edu.vn


Bữa ăn hạnh phúc tại trường mầm non Đồng Dương

Hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”
Bữa ăn hạnh phúc tại trường mầm non Đồng Dương
Hưởng ứng phong trào xây dựng “Trường học hạnh phúc”, chúng tôi hiểu rằng trường mầm non hạnh phúc là nơi vừa mang lại môi trường phát triển toàn diện, kích thích hứng thú học tập – vui chơi của trẻ, tạo dựng niềm tin và sự hài lòng cho phụ huynh. Đồng thời xây dựng được đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề, yêu trẻ cũng như tối ưu hóa công tác quản lý nhà trường, giảm bớt gánh năng công việc cho nhân sự.
Để  có được một môi trường hạnh phúc, Trước hết giáo viên phải có năng lực, kĩ năng sư phạm, yêu nghề, yêu trẻ, phải có lòng kiên nhẫn và có kĩ năng ứng xử sư phạm. Đồng thời, phải có môi trường làm việc tốt, môi trường lớp học cần được bài trí khoa học phù hợp với trẻ.
Điều quan trọng nhất là phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình. Bố mẹ trẻ phải thống nhất với nhà trường về cách quản lí, chăm sóc giáo dục trẻ.
Ngay từ đầu, trường chúng tôi đã bám sát phụ lục tiêu chí trường mầm non hạnh phúc, đồng thời căn cứ kế hoạch năm học cấp học mầm non quận Hà Đông về việc triển khai chuyên đề bằng những hoạt động cụ thể như: trường học vui vẻ; giờ đón trẻ hạnh phúc; sân chơi hạnh phúc; giờ ăn hạnh phúc; giờ học, giờ chơi hạnh phúc; giờ lao động vui vẻ;… để cụ thể hóa bằng kế hoạch của nhà trường. Nhà trường thành lập Ban chỉ đạo xây dựng “Trường học hạnh phúc” Năm học 2020 - 2021 phân công giao nhiệm vụ từng đồng chí trong ban chỉ đạo phụ trách từng tiêu chí. Bên cạnh đó nhà trường đã lập kế hoạch xây dựng trường, nhóm lớp mầm non hạnh phúc, lựa chọn các lớp điểm về các hoạt động cụ thể rồi tiếp tục nhân rộng ra toàn trường.
Đến với hội thảo Chuyên đề “Xây dựng Trường, nhóm lớp mầm non hạnh phúc” năm học 2020 – 2021 trường chúng tôi đưa đến nội dung khá quen thuộc và thường xuyên đối với các trường mầm non đó là “Bữa ăn hạnh phúc”
Tuổi ấu thơ trẻ được hưởng nền giáo dục phù hợp, hiện đại và toàn diện về mọi mặt giúp trẻ phát triển cân đối hài hòa các lĩnh vực giáo dục: Đức, Trí, Thể, Mỹ trong đó giáo dục thể chất cho trẻ mầm non là nhiệm vụ hàng đầu và quan trọng nhất. Ở lứa tuổi này, cơ thể trẻ còn non yếu dễ bị phát triển lệch lạc, mất cân đối và đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hoàn thiện dần. Do đó, nhu cầu sinh hoạt, ăn uống là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển, hoạt động và học tập của trẻ. Việc tổ chức chế biến, tổ chức hoạt động ăn hàng ngày rất quan trọng đối với trẻ mầm non. Thường trong các bữa ăn của trẻ cô giáo mới chỉ chú ý làm sao cho trẻ ăn hết xuất chứ chưa chú ý đến việc tổ chức làm sao cho trẻ ăn ngon miệng, làm sao để trẻ có tâm lý thoải mái hứng thú khi ăn. Chúng ta cần tổ chức hoạt động giờ ăn của trẻ như thế nào cho phong phú, đa dạng, gây hứng thú, hấp dẫn; trẻ được tiếp cận các hình thức tổ chức hoạt động giờ ăn khác nhau...đồng thời đảm bảo dinh dưỡng cân đối hài hoà giữa chất và lượng? Chính vì lý do trên mà chúng tôi lựa chọn “Bữa ăn hạnh phúc”  nhằm tìm ra chế độ chăm sóc hợp lý và toàn diện qua việc tổ chức bữa ăn tại trường cho trẻ.
Để tổ chức BAHP, ngoài việc nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ từ khâu chế biến bảo đảm đủ chất dinh dưỡng, phong phú về thực đơn…, các cô còn trang trí không gian phòng ăn, bàn ăn “bắt mắt”, tạo tâm lý thoải mái, vui tươi cho trẻ khi ăn.
          Trước đây, trong giờ ăn, cô giáo thường là người làm tất cả công việc: xới cơm, chia thức ăn, bố trí chỗ ngồi… cho từng trẻ, thì giờ đây khi thực hiện mô hình BAHP, trẻ biết tự giác chuẩn bị bàn ăn, tự lựa chọn chỗ ngồi mà mình thích, tự đến nhận phần ăn của mình, giáo viên chỉ đứng quan sát, hỗ trợ.
Ngoài hình thức tổ chức bữa ăn như thường ngày theo đúng quy chế chuyên môn, nhà trường thực hiện tổ chức bữa ăn phong phú khác như: tổ chức bữa ăn “cho trẻ tập làm quen với đũa”, tổ chức bữa ăn cho trẻ theo hình thức “bữa ăn gia đình”, hay tổ chức bữa ăn cho trẻ ăn bằng đĩa (xuất cơm văn phòng).
Chúng tôi nhận thấy, từ khi thực hiện mô hình này đã không còn cảnh giáo viên “quát tháo” đối với những trẻ ăn chậm mà thay vào đó là những lời động viên. Trẻ đã biết tự phục vụ bữa ăn cho mình, tự trải nghiệm văn hóa ăn uống, ứng xử trong bữa ăn… và cảm thấy vui hơn khi ăn Từ đó hình thành thói quen tốt, chủ động trong ăn uống, ăn hết phần ăn của mình và khi ăn xong thì tự mang bát đũa để ở nơi quy định.
     Nhà trường cũng khuyến khích trẻ tham gia vào việc xây dựng thực đơn bằng cách nói với cô giáo về những món ăn mà mình thích. “Trẻ được khuyến khích đưa ra những lựa chọn riêng. Phụ huynh cũng được mời tham gia giới thiệu các món ăn trẻ yêu thích ở gia đình, cách thức chế biến các món ăn đó. Biện pháp này đã làm phong phú cho thực đơn của nhà trường, đồng thời hợp ý thích của trẻ”.
Với mô hình BAHP, Trường mầm non Đồng Dương đã xây dựng cho trẻ thói quen tốt trong sinh hoạt hàng ngày, nhận được sự đồng tình rất cao của phụ huynh. Đó chính là thành công đáng ghi nhận trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường.
Ngoài hình thức “Bữa ăn hạnh phúc”, nhà trường cũng khuyến khích các giáo viên đưa ra thêm nhiều hình thức, hoạt động khác tạo cảm xúc tích cực cho trẻ trong cả ngày ở lớp. Trường mầm non Đồng Dương hi vọng nhà trường sẽ tiếp là điểm đến tin cậy của phụ huynh, sẽ trở thành trường mầm non hạnh phúc, là nơi các con được an toàn về cả thể chất và tâm lý, được chăm sóc, yêu thương, được tiếp cận với những phương pháp giáo dục phù hợp, giúp truyền cảm hứng học tập để phát triển toàn diện cả về cảm xúc, trí tuệ và thể chất.
https://www.youtube.com/watch?v=UEQxe8ajJnM&t=1s
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây